Luật Đất Đai 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc điều chỉnh và cập nhật các quy định pháp lý về quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam. Với những thay đổi mới, luật không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc bảo vệ quyền lợi liên quan đến đất đai mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bài viết này, hãy cùng Elite khám phá những điểm mới của Luật Đất Đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), cũng như sự tác động của nó đến lợi ích của người dân như thế nào nhé!
1. Xác định rộng hơn đối tượng là người sử dụng đất
Khoản 3, 6 Điều 4 Luật Đất đai năm 2024 quy định rộng hơn về đối tượng người sử dụng đất.
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm: “3. Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân); 6. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;”. Thay vì chỉ có “…6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;” theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013
Luật Đất đai năm 2024 đã xác định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài chính thức là đối tượng sử dụng đất và được hưởng tương đối đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam (riêng quyền thế chấp thì chỉ giới hạn là thế chấp tại các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động tại Việt Nam); bổ sung quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam.
Việc mở rộng đối tượng sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều lợi ích cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, bao gồm quyền tiếp cận đất đai và mua nhà ở tại Việt Nam, hưởng các quyền lợi tương đương với công dân Việt Nam. Điều này góp phần làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản, thúc đẩy nguồn cung bất động sản và đảm bảo sự bình đẳng, công bằng đối với người dân.
Việc xác định rộng hơn đối tượng là người sử dụng đất góp phần làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản, thúc đẩy nguồn cung bất động sản và đảm bảo sự bình đẳng, công bằng đối với người dân (Nguồn: Internet)
2. Xác định quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài khi muốn đầu tư vào các dự án kinh doanh, sản xuất hoặc xây dựng nhà ở tại Việt Nam
Theo quy định tại điểm h, Khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai năm 2024 quy định thêm quyền nhận quyền sử dụng đất của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài “được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự; ”.
Như vậy, theo quy định trên Luật Đất đai năm 2024 đã khuyến khích người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút người dân quay về Việt Nam sinh sống và làm việc.
Luật Đất đai năm 2024 đã khuyến khích người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút người dân quay về Việt Nam sinh sống và làm việc (Nguồn: Internet)
3. Mở rộng điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định trước 01/7/2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền nay được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Sổ đỏ.
Theo đó, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 quy định cụ thể việc cấp Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo thời điểm sử dụng đất:
- Trước ngày 18/12/1980;
- Từ ngày 18/12/1980 - trước ngày 15/10/1993;
- Từ ngày 15/10/1993 - trước ngày 01/7/2014.
So với Luật đất đai 2013, điều kiện cấp sổ đỏ cũng được nới lỏng, không còn yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại các vùng khó khăn, giúp việc hợp thức hóa quyền sử dụng đất trở nên dễ dàng hơn
Nói chung, Luật Đất đai 2024 giúp tăng cơ hội cấp Sổ đỏ đối với đất không có giấy tờ trước 01/7/2014, giúp nhiều người dễ dàng hợp thức hóa quyền sở hữu đất. Điều kiện nới lỏng giúp giảm tranh chấp, tăng tính minh bạch. Khi có sổ đỏ, giá trị đất tăng lên, người dân có thể vay vốn ngân hàng, đầu tư phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi lâu dài và hỗ trợ quy hoạch hạ tầng, góp phần cải thiện đời sống và phát triển kinh tế xã hội.
Mở rộng điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ giúp nhiều người dễ dàng hợp thức hóa quyền sở hữu đất (Nguồn: Internet)
4. Tái định cư xong mới được ra quyết định thu hồi đất
Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Đất đai 2024 thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.
Theo quy định hiện nay, chỉ cần hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư là có thể ra quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày (theo điểm a khoản 3 Điều 69, khoản 3 Điều 85 Luật Đất đai 2013).
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 80 Luật Đất đai năm 2024 quy định " Điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật này”. Điều này có nghĩa là quá trình phê duyệt và sắp xếp tái định cư phải hoàn tất trước khi đất bị thu hồi, tức là tái định cư phải được thực hiện trước.
Quy định mới này mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Trước hết, điều luật này giúp đảm bảo rằng người dân sẽ có nơi ở ổn định trước khi đất của họ bị thu hồi, giảm thiểu tình trạng tạm cư và những khó khăn liên quan. Thêm vào đó, việc hoàn thành phương án bồi thường và tái định cư trước khi thu hồi đất giúp người dân hiểu rõ quyền lợi của mình và có thể lên kế hoạch cho tương lai một cách chủ động hơn. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch và công bằng trong quá trình thu hồi đất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân một cách hiệu quả.
5. Tăng giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định về khung giá đất, đồng thời nhấn mạnh việc định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường. Nghĩa là phải nghiên cứu giá đất dựa trên các yếu tố thị trường như cung cầu, giá giao dịch thực tế, và điều kiện kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo tính công bằng và phản ánh đúng giá trị thực tế.
Điều 159 quy định “2. Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.”
”3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo”
Bảng giá đất hiện tại sẽ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2025 và từ ngày 01/01/2026, các tỉnh, thành phố sẽ áp dụng bảng giá đất mới. Khi bảng giá đất tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá đất thực tế để tính tiền bồi thường thu hồi đất. Khi đó, đương nhiên người dân sẽ được nhận mức tiền bồi thường cao hơn so với hiện nay.
Việc bỏ khung giá đất và định giá theo thị trường giúp người dân nhận được đền bù xứng đáng đối với giá trị đất bị thu hồi, giá đất sẽ tiệm cận giá thị trường thay vì phụ thuộc vào mức trần/sàn như trước đây, điều này công bằng hơn đối với người dân và giảm thiểu tranh chấp đất đai.
Việc bỏ khung giá đất và định giá theo thị trường giúp người dân nhận được đền bù xứng đáng đối với giá trị đất bị thu hồi (Nguồn: Internet)
6. Đa dạng hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất
Hiện nay, việc bồi thường đất được thực hiện theo 02 hình thức: giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bồi thường bằng tiền nếu không có đất để bồi thường.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng các hình thức bồi thường. Cụ thể, Khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024 quy định việc bồi thường đất có thể thực hiện theo một trong bốn hình thức sau:
“1- Giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; hoặc
2- Bằng tiền trong trường hợp không có đất để bồi thường người dân có nhu cầu; hoặc
3- Bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; hoặc
4- Nhà ở.”
Người dân có thể ưu tiên chọn bồi thường bằng đất hoặc nhà ở, và nếu có nhu cầu bồi thường bằng tiền, họ có thể đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Việc mở rộng các hình thức bồi thường theo Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Quy định này không chỉ tăng sự linh hoạt trong lựa chọn hình thức bồi thường, đảm bảo quyền lợi tốt hơn mà còn hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện tái định cư dễ dàng hơn. Người dân có thể chủ động yêu cầu bồi thường bằng đất, nhà ở hoặc tiền, tùy theo nhu cầu cá nhân.
Kết
Những điểm mới của Luật Đất đai 2024 mang đến nhiều cải tiến quan trọng và đột phá trong quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam. Với các quy định mới, luật tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc bảo vệ quyền lợi liên quan đến đất đai và đảm bảo tính công bằng, minh bạch liên quan đến đất đai. Hy vọng rằng với những điều chỉnh này, Luật Đất đai 2024 sẽ thực sự phát huy hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển, hiện đại và thịnh vượng hơn.